Nơi của những tay "anh chị" Xóm Gà

Sách Sài Gòn vang bóng cho biết cách nay hơn một thế kỷ, ở xóm Gà có nhiều sòng bài và "trường gà". Thường Chủ nhật, ngày lễ, những tay ấy ôm gà tới đá độ, ăn thua tới bạc ngàn, là số tiền lớn vào thời đó. Ngoài những tay chuyên gầy sòng bạc, chuyên đá độ gà...còn có những "Đại ca" (đã kể trên), mà mỗi "Đại ca" này có dưới tay hàng chục đàn em, lúc nào cũng dám xả thân, mỗi khi có người đến bắt bớ hay gây sự.

Song ai đó muốn giới "dao búa" gọi mình là "Đại ca" thật không phải dễ. Không những phải có ngón võ cao cường, mà họ còn phải biết cư xử, biết trọng nghĩa khinh tài, có tính cương trực, dám nói dám làm, không bao giờ chịu lùi bước hay cúi đầu trước kẻ có tiền, có quyền...

Thời kỳ đó, ở Xóm Gà, trong số các "Đại ca" nổi bật nhất là Ba Giáp (?-1947). Những tay du côn có tiếng ở vùng Chợ Lớn khi xưa như Tư Mắt, Năm Liễu hay Sáu Thắm, Tư Sơn ở vùng An Nhơn, Gò Vấp; đều bái phục và gọi tôn ông là Lý Ngươn Bá, tức coi ông như một vị tướng có sức mạnh trong truyện Thuyết Đường của Tàu.

Cũng theo sách trên, thì: Ba Giáp, nguyên quán ở Quảng Bình, nhưng theo gia đình lưu lạc đến vùng Xóm Gà sinh sống bằng nghề dạy võ...Tướng mạo ông khôi ngô, tính tình thẳng ngay, giỏi võ, nên ông có rất đông môn sinh.

Một hôm, tại chùa Ông có lễ, một nhóm du côn ở vùng Hốc Môn, Bà Điểm kéo đến phá phách. Ba Giáp hay tin, tới phân phải trái, nhưng vừa dứt lời thì bị đối phương xông vào đánh. Kết cục, một mình ông đã đánh hạ hơn chục tên. Kể từ đó, không băng đãng nào dám kéo đến Xóm Gà gây rối.

Được nhiều người tôn phục, nhưng Ba Giáp không hề sinh kiêu. Trái lại, sau lần đánh đuổi nhóm du côn trên, ông thường hay suy tư và buồn rầu. Thấy vậy, một số đàn em rủ nhau đến hỏi, thì được ông trả lời rằng:

Hiện tại các em thấy anh mạnh mẽ, nhưng rồi anh sẽ lớn tuổi, sức sẽ yếu đi và lúc đó, còn chống cự lại được ai? Con người ai cũng có một thời thôi, mấy ai được viên mãn trọn đời. Anh muốn rửa tay gác kiếm đi tu để giải hết oan nghiệp...

Ba Giáp còn độc thân, nên việc rời bỏ cõi tục cũng không vướng bận gì nhiều. Ông vào tu tại chùa Sắc Tứ Tập Phước (hiện nay tọa lạc tại số 223, Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh), được mang pháp danh Thiện Minh. Sau, ông sang trụ trì chùa Hội Phước[6], lên tới chức Hòa thượng.Ông đi tu năm 25 tuổi (không rõ năm), và viên tịch vào ngày 11 tháng 11 Âm lịch, 1947.[7]